Con người, vì sao phải làm việc? Triết lý Inamori của Inamori Kazuo, ngay cả Jack Ma cũng ngưỡng mộ

“ Nhiệt huyết chính là điểm khởi đầu của thành công. Ý chí, quyết tâm để thành công càng lớn thì khả năng thành công càng cao. Ý chí, quyết tâm lớn ở đây nghĩa là dù là khi bản thân ngủ hay thức, suốt 24 tiếng chỉ nghĩ về việc mình muốn làm.”

Inamori Kazuo cho rằng đó là bởi vì chúng ta không hiểu được ý nghĩa thực sự của công việc, nên mới rơi vào cái hố của phiền não, đau khổ, than vãn như vậy. Trong mắt ông, lao động, là phương thuốc chữa được bách bệnh, nó không chỉ giúp ta khắc phục được những khó khăn trong cuộc sống, mà còn giúp thay đổi vận mệnh của bạn, đưa bạn tới gần hơn với may mắn và hạnh phúc.

Ở tuổi 25, Kazuo Inamori đã tạo ra một phát minh mang tính thời đại trong lĩnh vực gốm kỹ thuật. Ở tuổi 27, ông bắt đầu khởi nghiệp, cùng với nhiệt huyết mạnh mẽ trong công việc, trong 40 năm, ông đã thành lập hai công ty lọt top Fortune 500, là "Kyocera" và "KDDI". Ở tuổi 78, ông được chính phủ Nhật Bản mời làm chủ tịch của Japan Airlines. Trong vòng một năm, ông đã giúp Japan Airlines từ chỗ đang trên bờ vực phá sản vực dậy, đồng thời tạo ra lợi nhuận cao nhất cho Japan Airlines sau 60 năm trời.

Xuất thân là một nhà khoa học nhưng lại nổi tiếng như một huyền thoại trong kinh doanh, điều gì khiến ông trở nên khác biệt như vậy?

Từ trong "doanh nghiệp nát", đột phá, trở thành huyền thoại trong giới thương nghiệp

Nếu giờ có ai đó nói với bạn rằng, giờ vẫn còn trẻ, đừng quá chú trọng lương lậu, nên làm tốt công việc của mình, chú trọng nâng cao năng lực, rèn luyện nhân cách, tu tâm dưỡng tính… bạn có cảm thấy khinh khỉnh, nực cười, coi thường mấy kiểu "giảng đạo đức" này?

Những ai đã đi làm rồi có lẽ đều sẽ nghĩ như vậy, Kazuo khi còn trẻ cũng không phải ngoại lệ.

Giai đoạn đi tìm việc làm sau khi tốt nghiệp của Kazuo vừa hay là thời kì suy thoái kinh tế, nhờ một người thầy giới thiệu mà Kazuo được vào làm việc trong công ty Matsukaze lúc bấy giờ, đây là công ty chuyên sản xuất gốm sứ cách điện. Khi Kazuo đi làm, công ty này đang đứng bên bờ vực phá sản, lương tháng cũng thường xuyên bị trễ. Đến ông chủ cửa hàng bách hóa bên cạnh khi biết ông tới đây làm cũng đã phải cảm thán rằng: "Sao lại dại đột mà vào đây làm chứ? Ở cái doanh nghiệp sắp phá sản này, làm sao mà tìm được vợ!"

Kazuo khi đó rất khổ não, ở đại học ông cũng thuộc hàng sinh viên khá, giờ lại làm trong một công ty như này, bị người khác chê cười không nói làm gì, nhưng cuộc sống quả thực cũng rất mơ hồ, ông quyết định sớm xin nghỉ việc rời khỏi công ty.

Cùng lúc đó, ông cùng một sinh viên tốt nghiệp Đại học Kyoto với thành tích cao đã nộp đơn vào Trường Ứng viên Cán bộ Lực lượng Tự vệ, đây là một trường học ở Nhật Bản chuyên đào tạo sĩ quan cấp cơ bản của Lực lượng Tự vệ Hàng hải, và cả hai đã trúng tuyển.

Và rồi, màn kịch kịch tính lúc này mới bắt đầu.

Khi đó, muốn làm thủ tục nhập học thì phải có bản sao hộ khẩu, Kazuo đã nhờ anh trai gửi lên cho mình, nhưng đợi rất lâu mà vẫn không nhận được, sau này mới biết anh trai sau khi nhận được tin của em trai đã rất tức giận, cho rằng Kazuo vong ân phụ nghĩa, phụ công của người thầy đã giới thiệu cho ông công việc trước đó, nên đã không gửi gì cho ông. Kazuo cứ như vậy đành ở lại công ty cũ làm, khi đó, những sinh viên tốt nghiệp cùng vào làm với ông đều đã bỏ đi hết, chỉ còn lại mình ông.

Kazuo đã phải đấu tranh tư tưởng giữa đi và không đi trong một thời gian khá dài, cuối cùng, ông quyết định không đi nữa, đâm đầu vào làm việc. Bởi lẽ ông cho rằng dù có muốn nghỉ thì cũng phải có một lý do chính đáng, còn nếu chỉ vì không thích mà xin nghỉ thì tương lai sau này e là cũng sẽ chẳng khá hơn được là bao.

Sau khi hạ quyết tâm, ông không còn làm việc kiểu không có tâm nữa, thay vào đó, đặt toàn bộ tâm huyết cho công việc. Công việc của ông là nghiên cứu các vật liệu gốm tiên tiến mới. Vì công việc, ông chuyển hết nồi niêu xoong chảo vào phòng thí nghiệm, thường nghiên cứu tới quên ăn cơm, ngày đêm lẫn lộn. Dù công ty khi đó rất nghèo, không có nhiều dụng cụ tiên tiến, cũng chẳng có ai dẫn dắt, lại thường xuyên bị lãnh đạo đồng nghiệp trách móc cô lập, Kazuo vẫn kiên trì tới cùng, duy trì trạng thái liều mình làm việc như vậy gần 1 năm trời.

Điều khiến ông cảm thấy được an ủi đó là, trong giai đoạn này, ông liên tiếp thu được những thành tựu nghiên cứu vượt trội, trở thành một ngôi sao mới trong lĩnh vực hóa vô cơ. Điều này là động lực của ông trong công việc, mọi mơ hồ hay ý định nghỉ việc đều tan biến, những thành quả này khiến ông được công nhận và nhận được những đánh giá rất tích cực từ cả bên ngoài.

Không lâu sau đó, rất tình cờ, trong một tai nạn nho nhỏ, ông nghiên cứu ra một vật liệu mới chất lượng cao khác có tên là "Forsterite", và điều này thu hút sự chú ý rộng rãi. Sản phẩm mới được phát triển bằng cách sử dụng vật liệu mới này cũng giúp công ty nhận được đơn đặt hàng tới từ Panasonic, và Inamori Kazuo trở thành một ngôi sao lớn trong công ty.

Quá trình này khiến Kazuo nhận ra được một đạo lý:

"Dù trong hoàn cảnh khó khăn, chỉ cần hết mình làm việc, những may mắn bất ngờ rồi sẽ đến."

Bản tính của con người là yêu rảnh rỗi, ghét lao động, thích trốn tránh khó khăn, mưu cầu sự an lạc, một khi buông thả không nghiêm khắc với mình, sẽ rất dễ rơi vào vùng thoải mái, bước vào nguy cơ. Không ai có thể phủ nhận được rằng, chính sự chăm chỉ, nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp Kazuo thoát ra mọi sự khó khăn, đồng thời viết ra một quỹ đạo cuộc sống mới cho mình.

Những thành tựu đạt được trong khó khăn, sau này đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của công ty Kyocera. Khi mới thành lập công ty, đội của ông chỉ vỏn vẹn 28 người, giai đoạn ấy, ông hoàn toàn không có chút khái niệm gì với cái gọi là mấy giờ ăn cơm, mấy giờ về nhà, ông lấy mình làm gương, khích lệ tinh thần nhân viên, quyết chí đưa công ty phát triển to lớn hơn, thậm chí là vươn lên số 1 thế giới.

Dưới sự quản lý của Kazuo, Kyocera thành lập chưa tới 10 năm đã lên sàn. Sau này, Kazuo Inamori đã tận dụng triệt để các đặc tính của gốm mới để thử thách trong mọi lĩnh vực, từ các linh kiện gốm được sử dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau đến các bộ phận đóng gói điện tử bán dẫn, từ hệ thống phát điện mặt trời đến máy in ấn, điện thoại di động, từ liên ngân hàng đến truyền thông hay kinh doanh khách sạn, Kazuo Inamori luôn không ngừng sáng tạo mỗi ngày.

Cuối cùng, không chỉ đưa Kyocera trở thành một trong 500 công ty đứng đầu thế giới, Kazuo còn đưa "KDDI" cùng lọt vào top 500. Thậm chí, ở tuổi 78, ông được chính phủ Nhật Bản mời làm chủ tịch của Japan Airlines, giúp vực dậy hãng hàng không quốc gia này trước bờ vực phá sản chỉ trong vòng một năm. Japan Airlines được hồi sinh và tạo ra lợi nhuận cao nhất trong suốt 60 năm.

Mặc dù không phải quá xuất chúng, nhưng Kazuo Inamori đã dựa vào nhiệt huyết, những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, không ngừng nghiên cứu sáng tạo, vẽ ra một bản đồ thành công cho riêng mình.

Vì sao Kazuo Inamori đạt được những thành tựu phi thường như vậy?

Nó xuất phát từ 3 triết lý Inamori của ông:

Triết lý 1:

"Khi thiết lập mục tiêu, bạn phải đặt ra những mục tiêu khó mà hiện tại bạn không có khả năng rồi sau đó tìm cách cải thiện khả năng của mình, đồng thời đặt mục tiêu đạt được mục tiêu này vào một thời điểm nào đó trong tương lai."

Triết lý 2:

"Nếu muốn hoàn thành một việc nào đó, hãy vẽ ra trạng thái lý tưởng của nó, đồng thời suy ngẫm thật nhiều lần về quá trình này, cho tới khi nó trở nên thật rõ ràng thì thôi."

Triết lý 3:

"Nếu muốn phát triển sự nghiệp trong một lĩnh vực chưa biết, bạn phải có khát vọng mạnh mẽ, không bao giờ từ bỏ cho đến khi bạn đạt được thành công, từng bước tiến lên, nghiên cứu và đổi mới từng ngày, tích lũy hết lần này đến lần khác, làm như vậy là bạn đang nuôi dưỡng thành công và chắc chắn sẽ đạt được kết quả đáng kinh ngạc trong tương lai."

Ngoài ra, Kazuo Inamori còn có một công thức thành công vô cùng nổi tiếng như này:

Kết quả của cuộc sống + công việc = phương thức tư duy * nhiệt tình * năng lực.

"Kết quả của cuộc sống + công việc" = cuộc đời thành công.

"Phương thức tư duy" đề cập tới giá trị và đặc điểm tư tưởng của mỗi người, nó chỉ huy phương hướng phát huy của "năng lực" và "nhiệt tình", nó xác định kết quả cuối cùng của phương trình và là linh hồn của cả phương trình.

Trong khi nhiệt tình có thể đem lại động lực, còn năng lực là sự đảm bảo.

Jack Ma từng cảm thán:

"Tôi biến công việc kinh doanh từ niềm đam mê, thành sự nghiệp, rồi thành làm người. Suốt cả quãng hành trình ấy, tôi đã học được rất nhiều, và cá nhân tôi cũng rất tán đồng với những tư tưởng, triết học và quan điểm của Kazuo Inamori tiên sinh."

Muốn có một cuộc đời thành công, bạn phải có một tư duy đúng đắn, sự nhiệt tình liên tục và không ngừng cải thiện năng lực, đây chính là bí quyết thành công của Kazuo Inamori.

THEO TỔ QUỐC

Tin cùng chuyên mục

Tin liên quan