'Robot không đình công', hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc?


"Tiền lương của robot đang giảm đi, trong khi tiền lương của người lao động (LĐ) lại đang tăng lên. Khi các chi phí tăng, doanh nghiệp (DN) sẽ chuyển hết sang robot vì robot không đình công, không phải mua bảo hiểm, có thể làm việc 24/24" - Đó là cảnh báo của chuyên gia tại buổi đối thoại chính sách việc làm do Bộ LĐTB&XH vừa tổ chức.

Đây cũng là thực tế đang diễn ra tại Công ty Canon Việt Nam. Từ nhiều năm nay công ty đã ứng dụng việc động hóa máy móc trong sản xuất. Cách đây khoảng 7 năm công ty này có khoảng 13.000 lao động thì nay chỉ còn 8.000 lao động. Nhiều công việc trong dây chuyền trước đây do lao động làm thì nay robot đã đảm nhận.
Bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh văn phòng cấp cao Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết: “Công ty chỉ nhập những các thiết bị không phải là những con robot đắt tiền. Những kỹ sư của công ty sẽ sử dụng linh kiện và công nghệ cốt lõi lập linh kiện lắp thành công cụ sản xuất nên rẻ hơn rất nhiều so với giá thành nhập nguyên robot từ nước ngoài. Canon phải có chiến lược rõ ràng trong việc ứng dụng công nghệ, thực hiện tự động hóa kết hợp với con người để đạt năng suất công nghệ tốt, giá thành cạnh tranh”.

 

Trong khi đó, bà Nguyễn Thiên Lý, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng xu hướng robot thay thế lao động là xu hướng tất yếu, trong bối cảnh hoạt động cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trước thực trạng đó, công ty đã phải đầu tư thiết bị công nghiệp làm giảm áp lực cho người LĐ. DN đầu tư một máy cắt tự động có thể tiết kiệm từ 12-15 LĐ, một số trang thiết bị khác cũng giúp giảm được từ 2-3 LĐ.
“Cả năm nay các DN dệt may rất khó khăn, đơn hàng khó không ai làm, rẻ không ai nhận mới đến DN Việt Nam. Trong khi đó, chúng tôi gặp cản trở bởi giờ làm thêm được Chính phủ quy định hạn chế (tối đa chỉ 300 giờ), việc tăng lương tối thiểu nhanh, dồn dập, cộng thêm vào đó là một loạt tăng đóng BHXH”, bà Lý phân tích.
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn LĐ Việt Nam cho biết, lao động ngành da giày, dệt may sẽ là những ngành bị tác động mạnh, khi xu hướng sử dụng robot ngày càng nhiều. “Chúng ta phải có chính sách bảo vệ người LĐ. Thật tiếc vì trước đây trong Luật LĐ quy định, các DN phải có quỹ đào tạo dự phòng cho người LĐ, đặc biệt là LĐ nữ khi mất việc. Sau nhiều lần sửa đổi, chúng ta đã bỏ quy định này. Tới đây, khi sửa đổi bộ luật LĐ, nên đưa quy định này vào để khi DN thay thế LĐ, họ có thể tiếp tục làm việc trong các ngành khác”, ông Chính đề xuất.
Ngoài ra, theo ông Chính, một số nước có chính sách đến thời điểm nào đó đánh thuế vào robot để đảm bảo quyền cho người LĐ. Nên chăng, VN cũng cần áp dụng quy định này.

Tin cùng chuyên mục

Tin liên quan